Hiện nay, có một số ca tử vong do bệnh bạch hầu đã xuất hiện, khiến người dân vô cùng lo lắng về căn bệnh này. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về triệu chứng của bệnh, khả năng lây lan và các phương pháp chẩn đoán hiệu quả, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết và cần thiết.
Tổng quan về căn bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu (Diphtheria) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh này thường gây ra giả mạc dày, dai màu xám nhạt hoặc trắng, chứa vi khuẩn, tế bào biểu mô hoại tử, đại thực bào và fibrin.
Vi khuẩn bám chặt vào và phủ lên các bộ phận như amidan, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể lan truyền xuống phế quản gây tắc nghẽn đường hô hấp và khó thở. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở da và các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Các chuyên gia y tế nhận định rằng bệnh bạch hầu có nguy cơ lan nhanh thành dịch nếu không được kiểm soát hiệu quả, đặc biệt là đối với trẻ em dưới 15 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Các loại bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu được phân loại theo mức độ phổ biến như sau:
- Bạch hầu họng
- Bạch hầu thanh quản
- Bạch hầu mũi
- Bạch hầu mắt
- Bạch hầu da
Các triệu chứng bệnh bạch hầu
Một số triệu chứng phổ biến của bệnh bạch hầu bao gồm: sốt nhẹ, ho, khản tiếng, đau họng, chán ăn… Dấu hiệu điển hình để nhận biết bệnh bạch hầu là xuất hiện giả mạc dày, dai, màu xám nhạt hoặc trắng ngà sau khoảng 2-3 ngày mắc bệnh.
Biến chứng bệnh bạch hầu để lại
Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu là một vấn đề nghiêm trọng do tính nhiễm trùng và độc tố của vi khuẩn bạch hầu. Các biến chứng này yêu cầu can thiệp y tế kịp thời và hiệu quả để ngăn ngừa sự gia tăng nghiêm trọng của bệnh. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê liệt
- Bàng quang mất kiểm soát
- Tê liệt cơ hoành
- Nhiễm trùng phổi, gây suy hô hấp hoặc viêm phổi
- Nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là do giả mạc phát triển nhanh gây tắc nghẽn đường hô hấp hoặc các tác hại của độc tố lên tim và hệ thần kinh.
Bệnh bạch hầu có lây không?
Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng qua các con đường chủ yếu như sau:
Lây truyền qua đường hô hấp: Đây là con đường lây truyền phổ biến nhất của bệnh bạch hầu. Vi khuẩn bạch hầu có thể lây từ người mang bệnh sang người khỏe mạnh thông qua ho, hắt hơi, và các giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu. Người không có miễn dịch đặc biệt dễ bị nhiễm.
Lây truyền qua vật trung gian: Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua vật trung gian, như các đồ vật mà người bệnh đã tiếp xúc và có dính vi khuẩn bạch hầu. Việc tiếp xúc với những vật này có thể là nguồn lây nhiễm cao.
Thời gian ủ bệnh của bạch hầu thường từ 2 đến 5 ngày, và có thể kéo dài hơn tùy vào từng trường hợp. Điều này yêu cầu người dân nhận thức rõ về các con đường lây truyền của bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả như tiêm phòng đầy đủ, duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường.
Phương pháp chuẩn đoán bệnh bạch hầu
Để chẩn đoán bệnh bạch hầu một cách chính xác và nhanh chóng, các phương pháp sau được áp dụng:
Xét nghiệm sàng lọc vi khuẩn bạch hầu: Mẫu bệnh phẩm được lấy từ dịch họng của bệnh nhân. Phương pháp này giúp đánh giá sơ bộ về hình thái vi khuẩn và định hướng căn nguyên gây bệnh. Thời gian trả kết quả là 90 phút kể từ khi nhận mẫu.
Xét nghiệm vi khuẩn nuôi cấy, định danh và kháng thuốc hệ thống tự động: Mẫu bệnh phẩm cũng được lấy từ dịch họng. Phương pháp này phát hiện và định danh chính xác căn nguyên vi khuẩn gây nhiễm trùng, đồng thời đánh giá tính nhạy cảm/kháng thuốc của vi khuẩn đó. Kết quả được cung cấp sau 2-4 ngày từ khi nhận mẫu.
Đối với các bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, quan trọng là nhanh chóng đến cơ sở y tế để lấy mẫu bệnh phẩm và thực hiện các xét nghiệm này. Điều này giúp cho việc xác định và điều trị bệnh kịp thời, từ đó giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng của bệnh.
Bệnh bạch hầu, mặc dù hiếm gặp nhưng vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe công đồng, đặc biệt là đối với trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và những người sống trong môi trường dễ lây nhiễm. Triệu chứng của bệnh có thể không rõ ràng ban đầu nhưng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh bạch hầu, việc tiêm phòng đầy đủ và sớm chẩn đoán cùng với các biện pháp vệ sinh cá nhân là cực kỳ quan trọng. Hy vọng thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh bạch hầu và sẽ cùng nhau chung tay phòng ngừa và kiểm soát bệnh trong cộng đồng.